Trước khi nhìn lỗi người, hãy học cách nhìn lỗi mình!

533 Lượt xem

“Khi ta biết nhìn vào trong ta một cách sâu sắc, là lúc Ta thấy Ta rõ nhất!” – Thiền sư Thiện Minh.

Có câu chuyện kể rằng:

Một đôi vợ chồng trẻ nọ vừa dọn đến ở trong một khu phố mới.

Buổi sáng đầu tiên, khi hai vợ chồng đang ăn sáng thì người vợ nhìn thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi.

Cô vợ thốt lên:

– “Tấm vải bẩn thật. Có lẽ bà ấy không biết giặt, nên thay một loại xà phòng mới thì giặt sẽ sạch hơn”.

Người chồng cũng nhìn tấm vải màn, nhưng vẫn lặng im.

Những ngày sau đó, mỗi khi thấy bà hàng xóm phơi đồ trong sân, những lời chê bai vẫn thốt ra từ miệng cô vợ.

Một tháng sau, cũng vào lúc ăn sáng, cô vợ ngạc nhiên thì thấy tấm vải của bà hàng xóm sạch sẽ tinh tươm, cô bèn nói với chồng:

– “Anh xem, bây giờ bà ấy đã biết cách giặt tấm vải rồi. Ai đã dạy bà ấy làm sạch tấm vải thế nhỉ?

Người chồng bình thản đáp:

– “Chẳng ai cả. Sáng nay anh dậy sớm và lau sạch cửa sổ nhà mình đấy”.

(sưu tầm)

Sách hay tham khảo:

Lời Bàn:

Trong cuộc sống, con người hay có thói quen chỉ trích người khác thay vì dành những lời tán dương, khen ngợi. Vì để thoả mãn cái bản ngã, cái tôi, cái cảm giác giỏi giang, cái công nhận hơn người khác.

Nhưng không hề hay biết, vô tình theo thời gian, những suy nghĩ ấy dần ăn sâu vào tiềm thức, khiến trái tim họ như những bãi cỏ dại mộc lên với đầy gai nhọn, ích kỷ, hẹp hòi. Để rồi, tri kỷ ngày càng ít, bạn bè dần lánh xa….

Lý do chúng ta mệt mỏi, phiền não vì mãi bận phóng tâm ra ngoài, mà quên mất việc quay vào bên trong mới là điều cần làm. Nên người ta mới nói rằng, việc thấy lỗi sai của người khác đó mới là điều bất hạnh nhất của đời người.

Khi chúng ta đối mặt với mọi chuyện bằng ánh mắt khoan dung, chúng ta sẽ không tùy tiện tức giận, học được cách nhẫn nhịn, và dần dần sẽ có một trái tim trưởng thành, vị tha, đầy yêu thương. Lúc đó ta sẽ luôn cảm giác bình an, nhẹ nhàng với cuộc đời này.

Qua đó chúng ta thấy rằng, những gì chúng ta đang cảm nhận, nó phản ánh bên trong chúng ta, chứ không phải từ bên ngoài. Sự khó chịu, mệt mỏi, vui, buồn,… hay bất kỳ cảm xúc nào không phải đến từ bến ngoài mà do sự quán chiếu của bạn về nó.

Chúng ta đòi hỏi, mong cầu theo cách ta muốn về một sự vật, về một hiện tượng, về một người theo cách ta muốn. Đến khi nó được như ta muốn thì ta thấy vui, còn khi không được, ta sinh ra những cảm xúc tiêu cực, bực dọc mệt mỏi.

Vì vậy, bớt mong cầu, sống tỉnh thức, hoàn thiện bản thân mình, chấp nhận mọi thứ như vốn là, ta sẽ yêu cuộc sống này hơn, an lạc và hạnh phúc hơn. Đau khổ hay hạnh phúc là do chính bản thân mỗi chúng ta quyết định lấy!

(Admin)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *